Tham dự sự kiện, có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; du khách quốc tế… cùng đông đảo cán bộ, nhân dân Bạc Liêu.

Phát biểu tại lễ khai mạc Festival, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh rất vinh dự, tự hào là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối – Đời người”.
Ông Phạm Văn Thiều chia sẻ thêm: Nghề làm muối ở Bạc Liêu có lịch sử lâu đời, được hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20, khi người dân khai hoang mở đất ven biển. Vào thời điểm đó, Bạc Liêu được xem là “Thủ phủ muối” của Việt Nam. Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, với bờ biển dài, nắng gió nhiều, nước biển có độ mặn phù hợp, cùng với kỹ thuật làm muối tỉ mỉ và kinh nghiệm quý báu của diêm dân đã đúc kết được trong việc chọn đất, làm ruộng, phơi muối, tạo nên những hạt muối chất lượng cao, mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu, nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh và một số nước bạn lân cận.

Nghề làm muối cũng là nét văn hóa, thể hiện bản sắc của người dân Bạc Liêu. Đặc biệt, vào năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm muối ở Bạc Liêu là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đây được xem là động lực, là lời nhắc nhở chính quyền và người dân Bạc Liêu có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát triển nhằm góp phần tạo ra thu nhập, việc làm, vừa tạo ra động cơ và nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
Ông Phạm Văn Thiều cho rằng: Festival là cơ hội để mọi người cùng nhau tôn vinh những giá trị của hạt muối, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo tồn và phát triển nghề làm muối truyền thống, đưa muối Bạc Liêu nói riêng và muối cả nước nói chung vươn xa hơn nữa.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc Festival, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND tỉnh Bạc Liêu đã có sáng kiến tổ chức Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu 2025. Đồng thời nhấn mạnh: muối không chỉ là sản phẩm thiết yếu trong đời sống mà còn là di sản văn hóa, có vai trò quan trọng trong kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Một hạt muối nhỏ mang trong mình câu chuyện lịch sử của con người, của thiên nhiên và của những thăng trầm trong suốt hành trình phát triển của nghề muối. Muối không chỉ dùng để ăn mà còn là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, y tế, hóa chất và nhiều lĩnh vực khác.
Nhìn nhận về quá trình phát triển nghề muối, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, sự phát triển ngành muối Việt Nam thời gian qua đối mặt với nhiều thách thức. Dù là quốc gia sản xuất muối tiềm năng, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu muối mỗi năm. Có truyền thống lâu đời, nhưng lao động ngành muối ít được đào tạo, tập huấn. Hạ tầng sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối xuống cấp và lạc hậu. Sản xuất muối nội địa còn phân tán, chất lượng sản phẩm chưa cao, ứng dụng công nghệ còn hạn chế vì thế sức cạnh tranh của các phẩm muối Việt Nam chưa cao, thu nhập của bà con diêm dân chưa ổn định. Liên kết chuỗi giá trị giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ chưa chặt chẽ, thương hiệu muối Việt Nam chưa thực sự vững mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thay mặt Chính Phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ, Ban, Ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương có điều kiện và truyền thống làm muối cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ phát triển ngành sản xuất muối nói riêng và chuỗi giá trị sản phẩm liên quan mật thiết đến muối, góp phần phát triển không gian kinh tế biển đảo và đáp ứng nhu cầu muối của toàn xã hội và xuất khẩu.

Trước mắt, cần đẩy mạnh triển khai hiệu quả “Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030” theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngành nông nghiệp và môi trường, các địa phương cần quan tâm đến xây dựng các quy hoạch, kế hoạch đất bảo vệ đất sản xuất muối, hạn chế tình trạng suy giảm diện tích làm muối ở địa phương mình. Có kế hoạch hỗ trợ nâng cấp hạ tầng thủy lợi, hạ tầng sản xuất, chế biến và thương mại ở các vùng sản xuất muối có nhiều tiềm năng; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, nâng tầm giá trị hạt muối.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng gợi ý, cần phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông nghiệp xem cánh đồng muối không chỉ sản xuất mà còn là tài sản văn hóa du lịch. Cần kết nối tuyến du lịch, xây dựng các tour trải nghiệm để tạo thêm thu nhập cho bà con diêm dân.
Cùng với đó, cần quan tâm đến công tác đào tạo cho lực lượng lao động ngành muối, hỗ trợ các chương trình đào tạo chuyên sâu cho diêm dân và doanh nghiệp sản xuất muối nhằm nâng cao kỹ năng, áp dụng công nghệ mới và tiếp cận thị trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thêm: Chính phủ sẽ có các chính sách hỗ trợ vốn đào tạo nghề, giảm thiểu rủi ro, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm: đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất muối, đặc biệt là các vùng sản xuất trọng điểm, chuyển đổi sang mô hình sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến phương pháp sản xuất nhằm nâng cao chất lượng muối, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp và xuất khẩu.
Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 gồm chuỗi sự kiện với nhiều hoạt động phong phú, như: triển lãm sản phẩm muối truyền thống và công nghiệp, các sản phẩm muối thực phẩm và sức khỏe, các sản phẩm muối và du lịch; trình diễn quy trình làm muối thủ công truyền thống của các tỉnh; tham quan thực tế cánh đồng sản xuất muối truyền thống tỉnh Bạc Liêu (tại huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải); hội thảo về giải pháp phát triển ngành muối; giao lưu văn hóa – nghệ thuật đặc sắc đờn ca tài tử và cùng nhiều chương trình kết nối xúc tiến thương mại đầy tiềm năng, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nhằm tôn vinh giá trị của muối Việt Nam…